Hôm qua, hơn 430.000 thí sinh trên cả nước bước vào ngày làm thủ tục dự thi tuyển sinh đại học - cao đẳng đợt thi thứ 2. Ghi nhận tại nhiều hội đồng thi cho thấy, giám thị đã phổ biến quy chế thi tập trung chủ yếu vào hai nội dung chính đó là tuyệt đối không được mang điện thoại di động (ĐTDĐ) vào phòng thi, hết 2/3 thời gian làm bài thí sinh được phép ra ngoài nhưng không được mang đề thi ra ngoài.
Tập trung phổ biến quy chế
Tại cụm thi Quy Nhơn, một thí sinh thi vào Trường ĐH Nông Lâm TPHCM khiếm thính phải đeo tai phone trợ thính. Trước tình thế này, Hội đồng thi cụm thi Quy Nhơn đã lập biên bản yêu cầu thí sinh cam kết dụng cụ trợ thính chỉ có chức năng nghe chứ không có chức năng nào khác. Tuy nhiên, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho biết: Thí sinh trên chỉ bị khiếm thính trong khi các quy chế, quy định của phòng thi đều được dán ở cửa phòng thi và giám thị coi thi có thể hướng dẫn hoặc viết các quy định trên bảng nên thí sinh này hoàn toàn có thể nhìn, đọc được. Trong khi đó, theo quy chế tuyển sinh, thí sinh không được mang các thiết bị ghi âm ghi hình thu phát trực tiếp. Do đó, theo PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, thí sinh trên không được phép mang tai phone trợ thính khi vào làm bài thi. Tuy nhiên, đây là hội đồng thi của Quy Nhơn nên họ có quyền quyết định cho thí sinh này được phép mang dụng cụ trợ thính vào hay không.
Sinh viên tiếp sức mùa thi tại Hội đồng thi Trường ĐH KHXH&NV hướng dẫn địa điểm phòng thi cho các thí sinh. |
Tại cụm thi TPHCM, trong buổi sáng phổ biến quy chế, các giám thị ở nhiều hội đồng thi đều tập trung phổ biến kỹ quy chế và khuyến cáo kỷ luật phòng thi.
Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, sáng nay, Trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 Thứ trưởng Bùi Văn Ga sẽ vào thị sát tình hình đợt thi thứ 2 tại cụm thi TPHCM. Thứ trưởng sẽ trực tiếp kiểm tra một số điểm thi tại TPHCM. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng thành lập 11 đoàn thanh tra lưu động và thanh tra cắm chốt tại các cụm thi trên cả nước.
Sai sót giấy báo dự thi vẫn nhiều
Ghi nhận tại nhiều hội đồng thi như Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, Trường ĐH Công nghiệp, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, các chuyên viên phòng đào tạo căng sức chỉnh sửa giấy báo dự thi và cấp lại giấy báo dự thi mới.
Tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM với hơn 11.000 thí sinh dự thi, sau khi kết thúc việc làm thủ tục, hàng trăm thí sinh đến trung tâm tuyển sinh ở tầng trệt để chỉnh sửa sai sót trên giấy báo dự thi. Các lỗi sai sót chủ yếu là tên, mã ngành. Ngoài ra, nhiều thí sinh mất giấy báo dự thi cũng được trung tâm nhanh chóng chụp hình và làm giấy báo dự thi mới.
TS Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho biết, có khoảng 30 trường hợp đến yêu cầu chỉnh sửa và cấp lại giấy báo dự thi mới. Đa phần lỗi sai sót điều chỉnh là chuyển từ hệ ĐH sang hệ CĐ vì nhiều em thi ĐH để lấy kết quả xét xuống hệ CĐ. Trong khi đó, tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, có khoảng 50 trường hợp đến yêu cầu chỉnh sửa mã ngành đăng ký dự thi.
Ngoài những lỗi sai thông thường như sai tên, ngày tháng năm sinh của thí sinh tại Trường ĐH Sài Gòn có 2 điểm sai mới là sai hệ học (từ ĐH bị chuyển xuống CĐ) và nhiều thí sinh đăng ký ngành khác nhau nhưng lại trùng mã ngành. Tương tự thế nhiều thí sinh khác đăng ký thi vào các ngành khác ở hệ ĐH của trường nhưng trong giấy báo thi lại ghi hệ CĐ.
Cũng tại Trường ĐH Sài Gòn, nhiều thí sinh ở Long An có nguyện vọng học tại Trường CĐ Sư phạm Long An (mượn Trường ĐH Sài Gòn thi để xét tuyển) thì bị trùng mã ngành ở 2 ngành Sư phạm âm nhạc và Sư phạm tiếng Anh. Lý do là trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành in mã ngành của hai ngành trên trùng nhau. Những sai phạm trên buộc các cán bộ tuyển sinh của trường phải lục lại hồ sơ gốc của thí sinh và căn cứ theo mã ngành cấp 4 do bộ quy định để chỉnh sửa lại cho đúng và theo đúng nguyện vọng của thí sinh.
Trong khi đó, tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, sau khi làm thủ tục dự thi xong có khoảng 300 thí sinh đến phòng đào tạo của trường để chỉnh sửa những sai sót trên giấy báo dự thi. Những sai sót chính vẫn tập trung vào sai tên, trường THPT, sai mã ngành. Theo đại diện phòng đào tạo của trường, việc chỉnh sửa sai sót đã hoàn tất trong buổi sáng, những sai sót chủ yếu là do việc nhập liệu từ nơi thu hồ sơ nên đều được nhà trường chỉnh sửa để đảm bảo quyền lợi thí sinh.
Nhiều phòng thi không đạt chuẩn
Tại hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, khu vực dãy nhà A và dãy nhà B xuất hiện khá nhiều “đại phòng thi” với số lượng 80 thí sinh. Cụ thể, từ lầu 1 đến lầu 4 của dãy A và B rất nhiều phòng thi sử dụng giảng đường lớn có sức chứa đến hàng trăm sinh viên làm phòng thi. Nhà trường bố trí ghép 2 phòng thi với mỗi phòng 40 thí sinh nhưng thực tế bàn ghế vẫn không hề bố trí và sắp xếp lại cho đúng khoảng cách. Trong khi đó, quy chế tuyển sinh quy định, mỗi phòng thi tối đa không quá 40 thí sinh.
Trước đó, ở đợt thi thứ nhất, tình trạng thiếu phòng thi bố trí và sắp xếp thí sinh ngồi sát rạt nhau đã được Ban chỉ đạo tuyển sinh phía Nam lưu ý nhưng không hề thuyên giảm. Nhiều hội đồng thi vẫn bố trí phòng thi chật hẹp và thí sinh ngồi khá chật hẹp.
Ngoài ra, đáng nói hơn là trong đợt thi này khá nhiều thí sinh phải ngồi làm bài ở bàn ghế “trẻ em”. Cụ thể Trường ĐH Y Dược TPHCM, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, Trường ĐH Cảnh sát nhân dân có đến 26 điểm thi thuê mướn trường tiểu học. Nhiều phòng thi thí sinh ngồi khá chật hẹp và không đúng quy chuẩn.
Trao đổi về vấn đề này, một thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ phía Nam cho biết: Việc thí sinh phải thi trong các trường tiểu học là điều không khuyến khích. Bởi lẽ, thí sinh ngồi làm bài trong thời gian 180 phút với bàn ghế không đúng chuẩn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả bài làm. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng thí sinh và phụ huynh cùng chia sẻ vì áp lực kỳ thi quá lớn, hơn nữa nếu kỷ luật phòng thi tốt thí sẽ đảm bảo được sự công bằng.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét