Đây là cảnh báo của các nhà quản lý, giáo dục, nghiên cứu tại hội thảo "Chính sách phát triển nhân lực khoa học và công nghệ (KH-CN) do Bộ KH-CN, Ban Tuyên giáo Trung ương vừa tổ chức tại Hà Nội.
Chỉ 5-7 năm nữa
GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội kể lại câu chuyện thực từ một trường đại học danh tiếng đã khiến không ít người có trách nhiệm cảm thấy bất an. GS Giang cho biết, năm 2012, trường ông nhận được rất ít hồ sơ đăng ký tuyển sinh từ các trường THPT danh tiếng, với ngành khoa học xã hội nhân văn lại càng ít hơn. “Giới trẻ không thích vào ngành khoa học thì đồng nghĩa với việc các cơ quan nghiên cứu không tuyển dụng được người tài. Những người học giỏi không theo làm khoa học nữa. Các nhà khoa học đầu ngành đến tuổi về nghỉ hưu, song không tìm được người kế cận xứng đáng. Cứ thế này, chỉ 5-7 năm nữa, nước ta sẽ thiếu hụt trầm trọng đội ngũ cán bộ khoa học trẻ có trình độ”, GS Giang buồn bã.
Lý giải về nguyên nhân người trẻ không muốn “đệ đơn” vào ngành khoa học được nhìn theo nhiều góc độ. TS Văn Tất Thu, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã thu gọn bằng cụm từ chúng ta đang “hành chính hóa sự nghiệp khoa học công nghệ”. Chỉ đơn giản nhìn vào hệ thống thang bảng lương của các nhà khoa học đã bộc lộ việc chưa chú trọng đến yếu tố hiệu quả công việc, không phản ánh đúng mức chênh lệch về trình độ chuyên môn cũng như công việc đang đảm nhiệm. Chính sách tiền lương chưa bảo đảm cuộc sống của cán bộ khoa học, chưa thu hút được người có trình độ chuyên môn cao ở lại phục vụ lâu dài trong bối cảnh cạnh tranh thu hút nhân tài trong nền kinh tế thị trường. Chính sách trọng dụng, khen thưởng và tôn vinh còn mang nặng dấu ấn của tư tưởng bao cấp, cào bằng.
Các nhà khoa học đầu ngành đến tuổi về nghỉ hưu song không tìm được người kế cận xứng đáng. (Trong ảnh GS.TSKH Trần Duy Quý kiểm tra cây trong phòng thí nghiệm) ảnh Bích Ngọc |
TS Thu nêu ví dụ: “Một vận động viên đi thi đấu thể thao mang về cho quốc gia huy chương có thể được phong ngay Huân chương Lao động hạng 3, thế nhưng người nghiên cứu có những công trình giá trị lại không được ưu ái như vậy”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thẳng thắn chỉ ra, trong khi số lượng sinh viên tăng lên khoảng 13 lần, còn giảng viên (tính gộp) mởi chỉ tăng có hơn 3 lần. Như vậy quy mô đào tạo lớn là một rào cản cho vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực KH-CN. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới năm 2008, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11 trong số 12 nước châu Á tham gia xếp hạng.
Cần bỏ ngay chế độ cào bằng
Nhiều ý kiến cho rằng, phải bỏ ngay chế độ cào bằng và chủ nghĩa bình quân. Nếu còn để tình trạng này thì một nhà khoa học dù làm nhiều, làm ít hoặc không làm gì nhưng nếu thuộc danh sách biên chế, trả lương của tổ chức KHCN công lập thì vẫn được ngân sách chi trả. Ngoài ra, khi nghiên cứu đề tài, dự án lại được hưởng thêm phụ cấp. Nghiễm nhiên điều này đã “khuyến khích” nhà khoa học không thực sự chuyên tâm với nghiên cứu cũng không dại gì mà tự “chuốc khổ” vào thân.
Báo Đất Việt phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học-Công nghệ, Bộ KH&CN tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Đổi mới quản lý KH&CN, phương thức đầu tư, cơ chế tài chính và phát triển nguồn nhân lực KH&CN” vào hồi 9 - 11h ngày 10/7/2012 tại Trụ sở Báo Đất Việt (108 Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội). |
Nói như PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, từ khâu đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ, đánh giá nhân lực KH-CN… đều có vấn đề. “Việt Nam muốn phát triển điện hạt nhân nhưng bây giờ mới cử người đi đào tạo, những người trước đây học đã phải đi làm ngành khác; học toán phải làm ở nước ngoài thì mới có Ngô Bảo Châu”, ông Lĩnh nói.
TS Thu đề xuất nhiều giải pháp, trong đó cần phải xây dựng quy chế riêng về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ; bố trí sử dụng viên chức phải đúng người đúng việc, tạo điều kiện để các viên chức phát huy cao nhất trình độ năng lực của họ; chính sách chi trả lương, trọng dụng, đãi ngộ, khen thưởng và tôn vinh…
Trước đó, năm 2006, Bộ KH-CN đã xây dựng đề án đào tạo cán bộ khoa học theo ê-kíp và đề án sử dụng, trọng dụng cán bộ KH-CN, tập trung vào nội dung: thí điểm áp dụng cơ chế tự chủ đặc biệt về tài chính đối với các nhà khoa học được Nhà nước giao chủ trì nhiệm vụ KH-CN đặc biệt cấp quốc gia; thí điểm áp dụng cơ chế tự chủ tài chính đặc biệt đối với cán bộ KH-CN xuất sắc được giao nhiệm vụ ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH-CN tại các trường ĐH, các tổ chức KH-CN trọng điểm. Ngoài ra, sẽ ban hành bổ sung một số chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài và các nhà khoa học người nước ngoài đến làm việc ở Việt Nam. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, chủ trương, chính sách này chưa được các cấp có thẩm quyền thống nhất trình Thủ tướng phê duyệt.
Thực tế trên rất dễ để có thể hiểu được vì sao Việt Nam sẽ thiếu nguồn nhân lực trong tương lai gần, song để thay đổi điều này cần rất nhiều sự cố gắng của nhiều cấp. Dù vậy, giới khoa học vẫn kỳ vọng những chuyển biến tích cực để khoa học thực sự được sáng tạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét