Cả học sinh lẫn giáo viên đều thừa nhận Bộ GD-ĐT có bước đột phá trong cách ra đề thi tốt nghiệp năm nay.
Tạo bất ngờ
Sau buổi thi môn toán, thầy Phạm Hồng Hải - nguyên Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM cho biết: “Đề thi yêu cầu trình độ kiến thức không cao nhưng ngoài tính toán, học sinh phải biết suy luận để tìm ra đáp số một cách nhanh nhất. Có thể đánh giá rằng cách ra đề như vậy khá hay, không tạo cho học sinh có cơ hội học tủ, học vẹt. Nhiều năm qua, thông thường, đề yêu cầu viết tiếp tuyến tại điểm thuộc đồ thị có nghĩa là đã cho sẵn con số. Còn năm nay đề thi lại cho giá trị đạo hàm và thí sinh phải tính toán để tìm điểm trên đồ thị rồi mới viết được phương trình tiếp tuyến.
Bên cạnh đó, đề thi còn tạo bất ngờ cho thí sinh ở câu hình học không gian. Mọi năm đề thi thường ra vào hình chóp thì năm nay thay bằng hình lăng trụ. Vì vậy, học sinh chăm chăm ôn tập kiến thức hình chóp thì sẽ lệch “tủ”. Với học lực trung bình, thí sinh sẽ dễ dàng đạt khoảng 6 - 7 điểm và số lượng điểm 7 trở lên sẽ nhiều”. Tương tự, thầy Võ Anh Dũng - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) cũng nhận định: “Đề thi có biến hóa so với nhiều năm trở lại đây, có tạo bất ngờ cho học sinh, không còn đi theo logic của các yêu cầu đề toán thông thường”.
Thí sinh tại hội đồng thi Trường THPT Tân Phong, TP.HCM sau giờ thi môn toán - |
Hướng đến cách dạy mới môn ngoại ngữ
Ở đề thi môn tiếng Anh, thầy Hoàng Thái Dương - Hiệu phó Trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến (TP.HCM) nhận xét: “Kiến thức trải đều chương trình, kiểm tra được trình độ học sinh về ngữ pháp với các nội dung như thì, câu điều kiện, câu tường thuật, cụm động từ… Phần ngữ pháp tương đối dễ, không đánh đố thí sinh. Đặc biệt phần đọc hiểu dễ hơn đề thi tốt nghiệp năm trước. Học sinh trung bình sẽ dễ dàng đạt điểm 6, còn học sinh khá giỏi thì điểm 9 - 10 là bình thường”. Tuy nhiên, khái quát toàn bộ đề thi, thầy Dương nhận định: “Năm nay có vẻ ban ra đề thi có hướng đến tiếng Anh giao tiếp. Các câu hỏi, các câu đàm thoại cùng bài đàm thoại cũng đều đề cập đến chủ đề giao tiếp, cách giao tiếp trong xã hội… Đây cũng là sự thay đổi khá hay từ đó có thể dẫn đến việc đổi mới phương pháp dạy và học tiếng Anh trong nhà trường phù hợp với xu thế của tiếng Anh hiện đại”.
Khả năng phân tích, tư duy
Ngay với những môn thuộc lòng, cách ra đề năm nay cũng tránh tình trạng học vẹt, đi vào những chi tiết chỉ đòi hỏi ghi nhớ máy móc như nhiều năm trước. Đề sử năm nay được nhiều thí sinh đánh giá cao. Hải Duy - học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM cho biết: “Khi vừa đọc sơ đề, em cảm thấy rất vui. Vì các câu hỏi đều không hỏi đến diễn biến chiến dịch hoặc diễn biến cuộc khởi nghĩa (có nhiều cột mốc thời gian, người học dễ nhầm lẫn) mà yêu cầu nêu về ý nghĩa thắng lợi, nội dung Hiệp định Paris… Em dự đoán môn sử em phải được từ 8 điểm trở lên”.
Trúc Nhã - học sinh Trường Ernst Thalmnn, TP.HCM nói: “Em rất sợ những môn học bài, nhất là sử. Nhưng đề năm nay rất lạ, khác với hàng loạt đề các năm trước. Đề năm nay yêu cầu người học phải có khả năng tư duy và phân tích, không cần phải nhớ đến các mốc thời gian. Nhất là ở câu 2 nằm ở Hiệp định Paris. Còn ở câu yêu cầu trình bày nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng 8 năm 1945 ở Việt Nam, người học chỉ cần nắm ý chính là có thể triển khai làm tốt”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét