Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

Chấn chỉnh các điểm luyện thi đại học, cao đẳng


Thời điểm này, đông đảo thí sinh từ nhiều địa phương đổ về TP Hồ Chí Minh ôn, luyện chuẩn bị kỳ thi vào đại học, cao đẳng năm 2012. Ðây cũng là thời điểm các trung tâm luyện thi hoạt động sôi nổi, trong đó có không ít điểm luyện thi "chui", không bảo đảm chất lượng...
Mập mờ để thu hút học viên
Ngay đầu tháng 6, nhiều trung tâm luyện thi đại học "chất lượng cao", "cấp tốc" đã tìm tới các điểm thi tốt nghiệp THPT phát tờ rơi để tự giới thiệu. Nhiều trung tâm quảng cáo có giáo viên luyện thi của các trường đại học lớn, tiến sĩ, thạc sĩ nhiều kinh nghiệm đảm trách. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy không ít trung tâm trong số này chỉ là mạo danh, sử dụng các chiêu quảng cáo mập mờ thông tin để thu hút học viên.
Tại Trung tâm Luyện thi đại học Nguồn sáng Việt (Alpha 1),  đường  Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp, chúng tôi được giới thiệu đây là chi nhánh của Trung tâm Luyện thi thuộc Ðại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh với học phí cho một khóa (thời gian học một tháng) là 1,3 triệu đồng. Alpha 1 là tên cũ khi trung tâm này còn thuộc Trung tâm Luyện thi Nguồn sáng Việt của Ðại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Ðến nay, Trung tâm Luyện thi đại học Nguồn sáng Việt không còn thuộc Trung tâm Luyện thi của Ðại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, nhưng nhân viên ghi danh ở đây vẫn giới thiệu như vậy để thu hút người học. Không ít cơ sở luyện thi khác cũng lấy tên, lô-gô gần giống với các cơ sở luyện thi đại học có uy tín để "dụ" người học.
Không chỉ vậy, một số trung tâm luyện thi còn gây chú ý bằng những quảng cáo mập mờ. Cùng nằm trên đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp, Trường luyện thi Lý Thái Tổ "mạnh dạn" quảng cáo: "Học sinh trung bình cũng có thể đậu đại học". Khi chúng tôi bày tỏ sự hoài nghi về quảng cáo trên, một nhân viên ở đây thú nhận: Ðây cũng chỉ là quảng cáo thôi. "Có thể đậu", nghĩa là "đậu hoặc không đậu"; việc đậu hay không còn phụ thuộc vào các em, người dạy không thể quyết định được hoàn toàn; "Chúng tôi cũng định mở lớp bảo đảm đậu với điều kiện các em phải thi đầu vào do trung tâm tổ chức đạt mỗi môn hơn năm điểm và học phí ba triệu đồng/tháng, nhưng không có học sinh đăng ký nên đã bỏ".
Nhiều trung tâm, học viên phải ngồi chật như nêm trong một phòng học chật hẹp. Trung tâm Luyện thi Nguồn sáng Việt có 60 học viên một lớp, còn Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa và luyện thi đại học Tô Hiến Thành, quận 10, thì một lớp có đến 90 học viên. Một nhân viên ghi danh ở đây cho biết: "Lớp thường 90 học viên, giá 500 nghìn đồng/môn; lớp đặc biệt, học sinh ít hơn nhưng giá 800 nghìn đồng/môn. Học lớp ít học viên, được giáo viên quan tâm nhiều hơn". Với số lượng học viên đông như vậy, liệu chất lượng có bảo đảm?
Nhiều trung tâm hoạt động không phép
Thực tế, có nhiều học sinh muốn tranh thủ thời gian sau khi thi tốt nghiệp THPT đi luyện thi "cấp tốc" để củng cố kiến thức cho kỳ thi đại học sắp tới. Anh Nguyễn Văn Long, quê TP Phan Thiết (Bình Thuận) đưa em trai vào TP Hồ Chí Minh luyện thi, cho biết: "Sau khi thi tốt nghiệp THPT xong, em tôi cũng ở nhà tự học, nhưng nhiều kiến thức còn lờ mờ, không biết hỏi ai, cho nên đành tìm trung tâm để luyện thi. Luyện thi tại các trung tâm ở quê sợ không bảo đảm chất lượng, đành phải cho em vào đây".
Trước nhu cầu luyện thi tăng cao, bên cạnh 240 cơ sở bồi dưỡng văn hóa được Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh cấp phép hoạt động, nhiều trung tâm không phép cũng ráo riết "vào cuộc". Tại Trung tâm luyện thi Trường Ðạt, quận Gò Vấp, có 16 học viên đang theo học với mức học phí 1,7 triệu đồng/ môn. Khi lực lượng thanh tra làm việc, trung tâm này không xuất trình được giấy phép hoạt động. Trong đợt kiểm tra vừa qua, Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh đã phát hiện nhiều trung tâm khác hoạt động không phép, trong đó có không ít cơ sở nằm trong các trường học, như Trung tâm Thầy Ðồ (Gò Vấp), Cơ sở Anh ngữ Học Thuật (Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp), THPT Lam Sơn, THPT Phùng Hưng...
Phó trưởng Phòng Giáo dục Thường xuyên, Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh Hồ Quốc Ánh cho biết: "Trước kỳ thi đại học, thí sinh nóng lòng củng cố kiến thức cho nên có nhu cầu luyện cấp tốc. Việc ôn luyện cấp tốc chỉ chủ yếu giải quyết về tâm lý, còn kiến thức phải là một quá trình được các em tích lũy qua nhiều năm. Do nhu cầu luyện thi lớn, nhiều cơ sở, dù không phép vẫn hoạt động và cũng đã thu hút được học viên. Nhiều cơ sở nhận nội trú cho thí sinh nhưng nơi ở chật chội. Với các cơ sở không phép, chúng tôi xử lý theo Nghị định 49: Ðình chỉ hoạt động, yêu cầu trả lại học phí cho thí sinh, đồng thời giới thiệu thí sinh tới ôn luyện tại các cơ sở luyện thi được cấp phép".
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, một ngày sau khi Trung tâm luyện thi (không phép) Trường Ðạt bị kiểm tra, cơ sở này vẫn hoạt động bình thường. Cũng theo ông Ánh, do địa bàn thành phố rộng, gây khó khăn trong việc quản lý. Sở giao phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện có trách nhiệm quản lý các cơ sở luyện thi trên địa bàn.
Luyện thi đại học là nhu cầu có thật và khá lớn hiện nay, nhưng người học và phụ huynh cần tìm hiểu kỹ về các trung tâm luyện thi. Về mặt quản lý nhà nước, đề nghị ngành chủ quản tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra, thanh tra các cơ sở luyện thi, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở hoạt động không phép.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét