"Tôi thấy chúng ta cứ sợ rằng không được đào tạo. Thậm chí chúng ta cứ hay quan trọng danh hiệu NSƯT, NSND. Tôi nói thật là tôi chưa có bằng đại học vì tôi vẫn còn nợ môn chính trị", nhạc sĩ Quốc Trung.
Người ta bảo "gà" của anh - ca sĩ Uyên Linh đang bị đuối dần. Anh nói sao đây?
- Trước tiên phải nói rằng tôi luôn tôn trọng với những người cộng tác với mình bởi họ sẽ không bao giờ làm tốt nếu họ không thích hoặc không bao giờ phát huy hết khả năng nếu họ không thấy thoải mái. Tôi lại phải nhắc lại là Việt Nam của mình cứ hay quy chuẩn nghệ sĩ là phải luôn luôn xuất hiện trên báo.
Nói thật tôi cũng thấy ngượng - rất ngượng với bản thân tôi bởi ngoài những dự án của mình ra thì nào idol, dính vào cả Thanh Lam, The Voice nữa... Thật ra chỉ người nghệ sĩ họ mới tự biết rằng mình có thực sự "chững" hay "đuối" không thôi. Bởi tôi thấy ở Việt Nam, dự án nào cũng thấy thành công.
Anh đang "ám chỉ" truyền thông đấy à? Theo anh, phải chăng truyền thông cũng có lỗi?
- Tôi nghĩ là do truyền thông một phần. Chúng ta chưa có những người đánh giá âm nhạc một cách uy tín như những người phê bình âm nhạc. Thực ra các bạn nhà báo thì được quyền nói, còn nói ở phương diện người nghe để đánh giá một dự án âm nhạc cũng như chất lượng một chương trình âm nhạc thì chúng ta gần như chưa có. Nói thế thôi chứ chúng ta cũng cần những người có sự định hướng đối với công chúng. Nhiều khi tôi thấy các bạn nhà báo một phần vì nể nang nghệ sĩ quá.(cười)
Có một thực tế thế này, fan hâm mộ anh ở các chương trình truyền hình thực tế lại nhiều hơn là fan hâm mộ những sản phẩm, dự án âm nhạc của anh?
- Cái gì cũng có mặt trái của nó. Tôi xin thú nhận với bạn là tôi chưa bao giờ dám nhận là mình có fan âm nhạc theo đúng nghĩa đâu. Còn lý do tôi nhận làm giám khảo một số chương trình truyền hình thực tế là bởi tôi có những mối quan hệ với nhà sản xuất. Chương trình vui, gặp nhau giải trí, trong điều kiện sắp xếp được thì tôi tham gia.
Hơn nữa, có thể từ những chương trình đó tôi có thêm một đối tượng khán giả. Họ thích mình, có thể dẫn dụ họ đến với âm nhạc của mình. Vì âm nhạc nó là cảm tính, ví dụ họ quý tôi rồi thì có thể họ sẽ nghĩ "cái gì ông Trung này làm chẳng hay". Còn để nổi tiếng thì... đôi khi tôi thấy nó "trơ trơ" thế nào ấy.
Lại nói về fan, cách đây vài tuần thôi, sau những phát biểu thẳng thắn về Uyên Linh, thân phụ của anh - NSND Trung Kiên bị dư luận phản bác. Thực ra anh có đồng tình với những ý kiến của bố mình? Có bao giờ anh hỏi bố trong việc định hình phong cách thậm chí là nhờ dạy nhạc cho Uyên Linh vì NSND Trung Kiên vốn là một nhà giáo?
- Khi đó chưa ký kết hợp đồng gì thì tôi đã dẫn Uyên Linh gặp bố tôi để ông kiểm tra xem cô ấy hát như thế nào. Việc bố tôi nói không có gì sai cả. Một người không học thì rất khó khăn. Ngay cả làm việc với Linh ở dự án album đầu tiên tôi cũng gặp những khó khăn bởi Linh không có một kỹ thuật gì cả, hát hoàn toàn bằng bản năng. Nếu trên sân khấu đòi hỏi cảm xúc còn trong thu âm nó đòi hỏi phải kỹ thuật trau chuốt. Có những bài hát thu cả tuần lễ, đến phòng thu rồi lại đi về. Điều đó hoàn toàn đúng.
Tôi nghĩ chúng ta nên tự tin để thành thật. Mình không có điều này nhưng mình sẽ phải cố gắng nhiều hơn. Mình không được học mình sẽ phải làm việc nhiều hơn những người khác, mình không đạt được những thành công không có nghĩa là mình không có mục đích. Tất nhiên, mỗi người có một cách học của riêng mình. Nhưng tôi tiết lộ với bạn một điều là anh Nguyên Lê chưa học trường nhạc nào mà tự học qua sách vở...
Tôi thấy chúng ta cứ sợ rằng chúng ta không được đào tạo. Thậm chí chúng ta cứ hay quan trọng danh hiệu NSƯT, NSND. Tôi nói thật là tôi chưa có bằng đại học vì tôi vẫn còn nợ môn chính trị. Sự thật 100% nay lần đầu tiết lộ với bạn.
Nhân việc anh nhắc đến nghệ sĩ Nguyên Lê, tôi muốn biết làm thế nào để anh mời được nghệ sĩ Nguyên Lê cùng hai nghệ sĩ nổi tiếng thế giới khác là Dhafer (Tunisia) và Rhani Krija (Ma Rốc/Đức) tham gia trong dự án "Nguồn cội" của mình?
- Việc tôi gặp nghệ sĩ Nguyên Lê như một cái "duyên". Từ anh, tôi biết đến hai nghệ sĩ quốc tế là Dhafer và Rhani. Giữa chúng tôi chủ yếu đều trao đổi công việc qua email là chính. Năm ngoái khi anh Nguyên Lê về Việt Nam biểu diễn cùng Tùng Dương thì tôi được trực tiếp làm việc một cách cụ thể hơn về dự án hợp tác của "Nguồn cội". Sau đó, tôi cũng đã sang Pháp để có những buổi làm việc với anh Nguyên Lê để thống nhất mọi việc cho thật cẩn thận.
So với "Đường xa vạn dặm" từng để lại những ấn tượng tốt trong giới làm nhạc thì dự án mới này anh gặp những khó khăn nào?
- Thực ra khi tôi làm "Đường xa vạn dặm" dễ dàng hơn vì "của nhà trồng được" vì nghệ sĩ là người Việt Nam. Còn khi làm việc với các nghệ sĩ nước ngoài họ chỉ có một tuần vừa tập, biểu diễn, thu âm thậm chí dành cả buổi để đi chơi cùng nhau ở Hạ Long nữa. Tất cả những việc đó mình phải làm rất chuyên nghiệp. Các nghệ sĩ quốc tế nhiều người rất chi tiết. Ví dụ nghệ sĩ người Tunisia đòi ghế ngồi thế nào, loa ra làm sao... cho show đầu tiên mang tên "Khởi nguồn" diễn ra vào ngày 1/9 tới tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.
Dự án âm nhạc mới của anh "kén" khán giả. Anh làm show có sợ "lỗ" không?
- Ở Việt Nam hay bị quy chuẩn. Các ca sĩ trẻ làm show chưa đủ khả năng, vốn liếng cho bản thân nên phải mời rất nhiều nghệ sĩ tham gia, rồi hát nhép... trong khi ở nước ngoài họ không làm vậy. Họ hát những cái người ta có hay người ta biết đối tượng là ai.
Sự cộng hưởng có đủ để người ta làm chương trình ở sân vận động hay chỉ ở nhà hát nào đó hay không? Chứ còn người ta đủ điều kiện nhưng vẫn chỉ tổ chức ở nhà hát 500 khách và người ta đủ tự tin. Cái điều quan trọng là nhà sản xuất họ biết bán được vé của 500 chỗ thu được bao nhiêu tiền. Chứ không phải lấy tiền túi ra làm show.
Bạn biết đấy, khi nhà sản xuất họ biết là lỗ vốn thì người ta sẽ không làm tới tận cùng chất lượng. Người ta cứ bảo làm là vì đam mê, cái đó chỉ là duy lý trí thôi, còn mình phải biết là mình làm show này mình được cái gì và bỏ như thế đã xứng đáng chưa. Chứ tôi bảo làm sô là lỗ, có cảm giác như tôi vô trách nhiệm với sản phẩm của mình.
- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét